Các dụng cụ cần thiết trong điều tra đa dạng loại như Bản đồ, la bàn, GPS, sổ ghi chép....
(biodivn.blogspot.com)Có rất nhiều phương pháp đánh giá đa dạng loài. Tuỳ theo các nguồn lực tham gia vào đánh giá mà lựa chọn phương pháp đánh giá phù hợp. Yêu cầu làm sao cho biết được hiện có bao nhiêu loài sinh vật đang sinh sống và đối với mỗi loài thì có bao nhiêu cá thể. Trình độ của người đi đánh giá được coi là có tầm quan trọng đặc biệt.
Đánh giá ĐDSH tại các nơi mà có nhiều sinh cảnh khác nhau, những nơi khó khăn tiếp cận như núi cao, biển khơi, đáy sâu... rất khó khăn. Dụng cu quan sát và lấy mẫu ĐDSH cũng rất khác nhau từ thô sơ đến phức tạp, hiện đại. Vì vần được đề ra các biện pháp quản lý ĐDSH sao cho thích hợp, so sánh các địa điểm khác nhau vào các thời điểm đánh giá khác nhau nên phương pháp đã dùng để đánh giá cần được mô tả tỉ mỉ chi tiết. Bản đồ sử dụng trong đánh giá, các máy định vị, quan sát tự động, từ xa... cũng cần có tương ứng theo yêu cầu. Đánh giá ĐDSH không nhất thiết phải thu được mẫu cụ thể chỉ là quan sát, ghi chép, cũng có thể chỉ là phỏng vấn người địa phương, người nhận diện được loài sinh vật đó. Vậy việc dự tính tại nơi cần đánh giá sẽ có bao nhiêu loài và mỗi loài sẽ có bao nhiêu cá thể thì trình độ, kinh nghiệm của người đi đánh giá là vô cùng quan trọng.
Lập các bảng danh sách các loài
Kết thúc công tác đánh giá ĐDSH tại một địa điểm nào đấy là đưa ra các bảng danh sách các loài sinh vật có mặt với các thông tin về số lượng, mật độ, hay nhiều ít. Cũng tại các bảng này cần có các cột ghi chú thêm ai (tác giả) ghi nhận, thời gian ghi nhận, quan sát hay thu mẫu, nơi gặp, tình trạng cá thể gặp như đực, cái, non, trưởng thành, phương pháp thu mẫu...
Loài sinh vật được ghi nhận có thể là qua điều tra người dân địa phương, thợ săn, người dân... Muốn cho công tác điều tra thêm độ chính xác cần có bộ ảnh mẫu kể cả mẫu khô, ngâm...
Để các bảng danh sách các loài không phải là bảng hình thức cần được nhấn mạnh trong các bảng loài nào là loài có giá trị kinh tế xã hội, văn hóa khoa học, loài nào là loài phổ biến, loài nào đang trên đường suy giảm số lượng và so sánh với các địa điểm khác...
Tên khoa học định danh cho các loài cần được chính xác và cập nhật. Tên địa phương cần được ghi chú đầy đủ vì rất có ích cho việc giao tiếp với người địa phương.
Các loài mới (hoặc nghi là loài mới) cần được ghi đầy đủ các thông tin và cần được bảo quản tốt mẫu thu. Độ chính xác của việc định dạng các sinh vật phụ thuộc vào trình độ của các cán bộ khoa học phân loại. Hiện đã có đầy đủ các nhà phân loại học cho các nhóm sinh vật ở trên thế giới. Gặp khó khăn trong việc định dạng cần liên lạc với họ, nhất là các loài nghi là mới.
Cũng kèm theo bảng danh sách các loài cũng cần lập riêng các bảng danh sách các loài là các bảng danh sách các taxon trên loài như giống (chi đối với thực vật), họ, bộ...
Cũng ở các bảng này (loài, giống, họ, bộ...) người đánh giá cũng cần phân tích các taxon đặc hữu cho địa điểm mà mình đánh giá.
1. Phương pháp khảo sát theo các tuyến sang ngang
Phương pháp này còn được gọi là phương pháp khảo sát theo giải, theo đai. Người khảo sát xác định các tuyến song song, hoặc không song song và tính số lượng cây của một loài thực vật nào đó dọc đường đi. Phương pháp này thường áp dụng khi tính số lượng chim, bò sát... Nội dung là tính số lượng cá thể gặp ở dọc đường đi đã định sẵn. Cần qui định trước chiều dài và chiều rộng giải khi tính. Khi tính có thể đi bộ, đi ôtô, đi thuyền (đến hai bờ sông) và có khi dùng cả máy bay.
Sử dụng GPS để điều tra theo tuyến
2. Phương pháp khảo sát theo các điểm, ô chuẩn
Phương pháp này thường áp dụng đối với côn trùng, thủy sinh vật, sinh vật đất tức là các sinh vật có kích thước nhỏ bé và phân bố đều ở môi trường. Điểm ở đây được hiểu là một diện tích hoặc một thể tích có kích thước đủ để thu được các mẫu vật của sinh vật cần tính. Ví dụ, điểm thực vật phù du, động vật phù du, sinh vật đáy bằng các vợt thủy sinh và gầu đáy. Phương pháp khảo sát theo ô tiêu chuẩn cũng dựa cùng trên nguyên tắc điểm. Xác định kích thước ô tiêu chuẩn thường là hình vuông sau đó đến số lượng cá thể của loài cần tính trong ô đó. Phương pháp này áp dụng để xác định số lượng cá thể của quần thể các loài thực vật, sinh vật ở đáy nước, trong đất. Việc xác định cần phải tính trong bao nhiêu ô hay điểm là đủ là điều quan trọng. Điều này phụ thuộc vào đặc trưng phân bố của loài sinh vật cần tính.
Xác định ô tiêuchuẩn trên bản đồ
3. Phương pháp khảo sát tính số lượng cá thể theo phương pháp đánh dấu, thả ra, bắt lại
Phương pháp này thường áp dụng với cá, thú nhỏ, côn trùng. Nội dung gồm dựa vào số lượng cá thể bắt được, đánh dấu thả ra cho chúng phân bố đều trong quần thể, sau đó bắt lại xem số lượng cá thể bắt lần thứ hai, tỷ lệ giữa số lượng cá thể có dấu và không có dấu rồi suy ra số lượng cá thể của quần thể : N=x.a/b
- X : số lượng cá thể đánh dấu thả ra
- A : số lượng cá thể bắt lần hai
- B : số lượng các thể bắt lần hai có mang dấu
- Muốn áp dụng phương pháp tính này cần có các điều kiện sau :
+ Những cá thể có dấu phải phân bố đều trong quần thể
+ Dấu không làm ảnh hưởng đến đời sống của cá thể mang dấu
+ Dấu không được mất
+ Sự tử vong không đáng kể giữa lần thả ra và bắt lại
4. Phương pháp tính theo “hiệu quả đánh bắt trên cùng cường độ đánh bắt“
Phương pháp này thường áp dụng đối với cá, thú... Phương pháp này dựa vào đặc tính là quần thể không bị thay đổi, điều kiện môi trường ổn định với cùng một đơn vị cường độ đánh bắt thì lần hai sẽ ít hơn lần thứ nhất và càng về sau số lượng cá thể đánh bắt càng ít và sau cùng tiến tới 0. Nếu ghi số lượng cá thể đánh bắt được liên tiếp cộng lần sau với các lần trước, nếu ta vẽ trên đồ thị và khi nối các điểm đó ta sẽ có một đường thẳng cắt trục hoành biểu thị tổng số lượng cá thể của quần thể.
5. Phương pháp xác định nơi ở, sinh cảnh, HST để đề xuất kế hoạch quan sát và thu mẫu
Mỗi loài, mỗi cá thể đều có nơi ở và tổ sinh thái riêng. Bất cứ một địa điểm nào cần được đánh giá ĐDSH đều bao gồm ít nhất là một và thông thường là gồm nhiều HST khác nhau. Mỗi HST đều được đặc trưng bởi một quần xã sinh vật riêng. Do đó một khi cần đánh giá ĐDSH ta cần phân biệt các HST và với các hiểu biết có trước về nơi ở và tổ sinh thái của các loài, các cá thể để lập kế hoạch quan sát và thu mẫu. Ví dụ như xác định ĐDSH tại một khu rừng, một vực nước, một đồng cỏ.. ta đều phải lập kế hoạch quan sát và thu mẫu tốt thì mới có hy vọng đánh giá được chính xác ĐDSH. Tất nhiên muốn thực hiện được phương pháp này cần có sự khuyến cáo của các nhà sinh thái học và phân loại học có nhiều kinh nghiệm. (biodivn.blogspot.com). (Theo Đa dạng Sinh học và Bảo tồn - Bộ Tài nguyên và Môi trường - 2005)
Trở về:
0 nhận xét:
Post a Comment
Cảm ơn bạn đã để lại ý kiến, giúp chúng tôi cung cấp thông tin đầy đủ hơn nữa!